Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam: Doanh nghiệp thu hàng nghìn tỷ, nộp ngân sách chỉ được vài đồng!

“Hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên, ngân sách nộp lại quá ít, không đáng kể!”.

Đây là chia sẻ đầy bức xúc của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam tại toạ đàm về Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam vừa diễn ra sáng nay.

Theo đó, bà cho biết hiện các doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam đang hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ cung ứng dịch vụ đi lại, nghỉ dưỡng, làm đẹp, trò chơi online đế hàng hoá tiêu dùng. Tuy nhiên “chúng ta chưa thu được lượng thuế tương ứng đối với doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này”, bà Cúc nhấn mạnh.

Cụ thể, tại Việt Nam có rất nhiều hình thức kinh doanh thương mại điện tử từ các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp ngoại có yếu tố sử dụng dịch vụ để khai thác doanh thu. Phần lớn các hình thức này chủ yếu cung ứng dịch vụ trên nền tảng internet, điện thoại để cung ứng hàng hóa, dịch vụ rồi thu tiền qua visa, thẻ tín dụng của các ngân hàng. “Việc quản lý này hiện nay rất phức tạp", bà Cúc cho hay.

Kết quả của Hội tư vấn Thuế cho biết Việt nam đang có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó, 32 triệu thuê bao là 3G. Hội tư vấn Thuế chỉ ra đây là nền tảng tốt cho các hãng thương mại điện tử khai thác, tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là chính sách thuế và quản lý nguồn thu từ hoạt động này vẫn còn chậm thay đổi và chưa thu được triệt để.

Bà Cúc cho biết mặc dù ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có những cuộc thanh tra các doanh nghiệp, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biết giới và thu được một số thuế nhất định nhưng về cơ chế chính sách của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, chưa có chính sách chung bắt buộc phải nộp thuế và có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

“Các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp Do đó, không tương xứng với doanh thu, lợi nhuận họ khai thác, gây bất bình đẳng trong chính sách thuế”, bà Cúc nói.

Bà Cúc cũng cho biết thêm kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử xuyên biên giới không quá xa lạ ở các nước trên thế giới, nhiều nước đã thành công và thu được thuế. Ở Việt Nam tuy còn khá mới mẻ nhưng chỉ cần quản lý tốt, tạo cơ chế để các doanh nghiệp này tin tưởng đăng ký kinh doanh thì cũng có thể thu thuế thành công.

"Quan điểm của chúng tôi khi đi tư vấn chính sách Thuế cho Bộ, ngành quản lý các loại hình kinh tế mới này là: Không nên bóp chết họ, hãy để họ hoạt động và tạo cơ chế tốt để họ công khai hình thức hoạt động, từ đó thu thuế tốt. Điều đó có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân tham gia kinh doanh", vị đại diện Hội tư vấn Thuế cho hay.

Uber là một ví dụ. "Ngay từ khi loại hình kinh tế sẻ chia kiểu Uber đi vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi là không được bóp chết họ mà phải làm công bằng. Tức là chúng ta chưa quản lý tốt thì hãy xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt. Đây mới là mấu chốt của vấn đề", bà nhấn mạnh.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy loại hình kinh doanh này đang có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, hầu như các dịch vụ này đều không đăng ký kinh doanh theo đúng ngành nghề quy định tại Việt Nam như: Uber đăng ký kinh doanh theo dịch vụ cung ứng công nghệ thông tin, nhưng thực chất họ hoạt động là dịch vụ vận tải, hành khách; Airbnb không đăng ký ngành nghề kinh doanh lưu trú - khách sạn trong khi bản thân là cung ứng sản phẩm lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn của các cá nhân, trên nền tảng công nghệ thông tin...

Điều đáng nói sự có mặt của nhóm doanh nghiệp này tại Việt Nam lách thuế bằng hình thức kê khai hoặc đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với loại hình dịch vụ của họ hoặc những ngành nộp thuế rất thấp. Vì vậy, vấn đề thu thuế của các doanh nghiệp này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

(Nguồn: http://cafef.vn/chu-tich-hoi-tu-van-thue-viet-nam-doanh-nghiep-thu-hang-...)